Với mục tiêu trở thành nhà cung cấp ống hút cỏ bền vững hàng đầu và đáng tin cậy trên toàn cầu và truyền cảm hứng lối sống xanh cho người tiêu dùng, sau 5 năm thành lập, chị Nguyên tự hào nhắc đến kết quả ấn tượng với 80% sản lượng được xuất khẩu sang các nước với tiêu chuẩn chất lượng khắt khe như Mĩ, Đức, Pháp, Bỉ, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với việc tham gia vào chuỗi cung ứng cho các hệ thống khách sạn và resort quốc tế cao cấp tạị Việt Nam như: Intercontinental Hanoi Landmark 72, JW Marriott Hanoi, Mercure hotels, Fusion Maia Đà Nẵng, cũng như các chuỗi siêu thị và nhà hàng như Annam Gourmet, the Deck Sài Gòn.
Green Joy kỳ vọng sẽ mang đến những tác động tích cực đến môi trường, góp phần bảo tồn các giá trị bền vững của cộng đồng địa phương, cải thiện sinh kế và tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nông dân, đặc biệt là phụ nữ.
Thời gian gần đây, giống như nhiều doanh nghiệp cung ứng đầu vào cho ngành du lịch, Green Joy cũng bị ảnh hưởng tình trạng suy thoái của ngành du lịch nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung do tác động của khủng hoảng hậu COVID-19.
Tuy nhiên, điều đáng nói là với tư cách là một doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ, Green Joy đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức đặc thù trong việc tiếp cận khách hàng mới. Các khách mua ở quy mô nhỏ và vừa thường mua sắm đầu vào dựa trên tập quán quan hệ với các nhà cung cấp cũ, hoặc chỉ làm việc với những nhà cung cấp mới khi có người quen giới thiệu; còn các chuỗi nhà hàng, khách sạn ở quy mô lớn, theo tiêu chuẩn quốc tế lại có những yêu cầu về kỹ thuật chặt chẽ và quy trình mua sắm cồng kềnh. Điều này khiến cho các doanh nghiệp cung cấp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, với nguồn lực hạn chế như Green Joy khó có cơ hội tiếp cận. Một thách thức lớn mà các nữ lãnh đạo doanh nghiệp thường gặp phải, như chị Nguyên chia sẻ, là thiếu mối quan hệ, dẫn tới việc khó tiếp cận bộ phận lãnh đạo cấp cao, bộ phận thu mua của các chuỗi nhà hàng, khách sạn lớn. Một khó khăn phổ biến khác mà các nữ doanh nhân ở quy mô nhỏ và vừa còn hay gặp phải là năng lực và nguồn lực dành cho việc phát triển
khách hàng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc cung ứng cho các chuỗi lớn trong ngành du lịch của Green Joy chưa được phát triển bền vững.
Trên thực tế, theo báo cáo của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) về chỉ số mua bán của các doanh nghiệp hiện nay, hơn 1/3 tổng số công ty toàn cầu thuộc sở hữu của phụ nữ, tuy nhiên, họ chỉ nhận được 1% trong chi tiêu mua sắm công và chi tiêu mua sắm của doanh nghiệp. Mặc dù đã và đang có nhiều sáng kiến phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhiều doanh nghiệp nữ vẫn bị bỏ lại phía sau với cơ hội tiếp cận nhà cung ứng rất nhỏ do chưa có khung chính sách và pháp lý cần thiết để thúc đẩy hoạt động mua sắm có trách nhiệm giới.
Chương trình Tăng tốc Kinh doanh dành cho doanh nghiệp do nữ làm chủ được khởi động từ tháng 11/2023, thuộc Dự án WE RISE TOGETHER do UN Women phối hợp với WISE thực hiện. Mục tiêu của Chương trình là giải quyết những thách thức mà các doanh nghiệp do nữ làm chủ như Green Joy gặp phải nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp này, và thúc đẩy Mua sắm đa dạng và có trách nhiệm giới trong ngành du lịch. Mới đây, thông qua các hoạt động hỗ trợ và kết nối từ Chương trình, Green Joy đã kết nối thành công với 02 đơn vị nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng là Melia Đà Nẵng, và Đồng Tiến Bakery, với tổng lượng tiêu thụ dự kiến gần 500,000 ống hút/năm. Doanh nghiệp cũng đang trong quá trình đàm phán với 02 khách sạn khác tại khu vực.
Đa dạng nhà cung cấp và mua sắm có trách nhiệm giới được thực hành ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới và trong khu vực. Mua sắm có trách nhiệm giới là “việc lựa chọn mua các dịch vụ, hàng hóa một cách bền vững có tính đến tác động đối với bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ”. Hai trụ cột của mua sắm có trách nhiệm giới là mua hàng hóa, dịch vụ từ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp có trách nhiệm giới. Đây là một lựa chọn mang tính bền vững để phát triển thương hiệu và hình ảnh của các doanh nghiệp gắn với trách nhiệm xã hội, trao quyền cho phụ nữ và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc. Không chỉ vậy, khi thực hiện đa dạng hóa nhà cung cấp thông qua mua sắm có trách nhiệm giới, doanh nghiệp cũng đang đồng thời áp dụng các chuẩn mực ESG, hướng cải thiện hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững. Qua kết quả khảo sát của UN Women năm 2022, hơn 70% doanh nghiệp khẳng định việc mua sắm có trách nhiệm giới đã giúp họ tăng nguồn cung khả dụng, tiết kiệm trung bình 20% chi phí mua sắm, tăng cường đổi mới sáng tạo và củng cố danh tiếng của công ty; 76% doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý rằng mua sắm có trách nhiệm giới cũng nâng cao sự hài lòng của nhân viên, góp phần tích cực cho việc quản lý nhân sự và giữ chân nhân tài.
Có thể thấy mua sắm có trách nhiệm giới là một tiềm năng lớn cần được khai thác trong cả khu vực công và khu vực tư nhân. Đồng thời, việc thúc đẩy mua sắm từ nhiều nhà cung cấp đa dạng, đặc biệt mua sắm từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ như Green Joy sẽ giúp đảm bảo các nhà cung cấp do phụ nữ làm chủ được tiếp cận và có được cơ hội công bằng và bình đẳng để cạnh tranh kinh doanh, đặc biệt trong những ngành có sự tham gia đông đảo của các doanh nhân nữ như chuỗi cung ứng ngành du lịch.
Dự án Thúc đẩy mua sắm có trách nhiệm giới thông qua đa dạng nhà cung cấp trong ngành du lịch tại Việt Nam thuộc khuôn khổ chương trình WE RISE Together do UN Women và WISE thực hiện có mục tiêu thúc đẩy đa dạng nhà cung cấp thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp có trách nhiệm giới được tiếp cận cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng ngành du lịch tại Việt Nam với các hoạt động về nâng cao năng lực quản lý, phát triển thị trường và bình đẳng giới. Chương trình bao gồm các hoạt động đào tạo, tư vấn chuyên sâu để nâng cấp chất lượng và giá trị sản phẩm, doanh nghiệp có trách nhiệm giới – phù hợp với những yêu cầu khắt khe của các chuỗi nhãn hàng lớn – đạt chất lượng xuất khẩu; và kết nối thị trường với các khách hàng tiềm năng.