Trong bộ sách nổi tiếng “Cha giàu, cha nghèo”, tác giả Robert Kiyosaki luôn nhắc đến 2 người bố tuyệt vời với hai hoàn cảnh khác xa nhau: một người bố giàu (cha của bạn thân và là cố vấn tài chính cho Robert), một người bố nghèo. Nhưng hai ông bố đều mang đến cho Kiyosaki những lời khuyên quý giá, những bài học, kinh nghiệm về tiền bạc và cuộc sống.
Nhờ đó, Kiyosaki đã quan sát được bức tranh tổng quát về cách thế giới vận hành, từ đó đúc kết kinh nghiệm của hai người cha và giúp ông đưa ra các quyết định quan trọng trong cả cuộc đời. Hai người cha này cũng được Robert Kiyosaki xem như Mentor của mình. Vậy câu hỏi được đặt ra là Mentor là ai mà có sức mạnh ghê gớm đến vậy? Mentor đã chi phối sự thành công và các quyết định của một người như thế nào? Và ai là người đứng sau sự nghiệp rạng rỡ của các vĩ nhân trên thế giới? Hãy cùng tìm hiểu ngay bây giờ nhé.
- Sức ảnh hưởng của Mentor
2. Ai là “quân sự của những người thành công nhất trên thế giới
Mentorship là bí mật thành công của vô số các vĩ nhân trong lịch sử. Lịch sử thế giới từng chứng kiến không ít những cặp Mentor – Mentee nổi tiếng, đa số họ cùng thành công, cùng phát triển và cùng trở thành những nhân vật vĩ đại của nhân loại.
Socrates – Platon – Aristotle – Alexander Đại Đế
Socrates – triết gia Hy Lạp cổ đại, người được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn, ông là thầy của Platon. Platon được xem là thiên tài trên nhiều lĩnh vực như văn hóa giáo dục, người có câu nói nổi tiếng: “Tự chinh phục mình là chiến công vĩ đại nhất”, có nhiều người coi ông là triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại cùng với Socrates.
Tiếp theo đó, Platon tiếp bước thầy mình và trở thành người hướng dẫn choAristotle. Aristotle là học trò xuất sắc của Platon người đặt nền móng cho môn lý luận học và được mệnh danh là “Cha đẻ của Khoa học chính trị”. Socrates, Platon,Aristotle là ba cột trụ của triết học Hy Lạp cổ đại. Vào thời kỳ của mình, họ chính là những vì sao tinh tú nhất trên bầu trời khoa học thế giới. Aristotle là thầy dạy cho Alexander – một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới phương Tây cổ đại mà con người thời đó biết đến trước khi qua đời và vì thế ông thường được xem là một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại và được suy tôn là Alexander Đại Đế khi chưa tới 30 tuổi.
Haydn – Mozart – Beethoven (Những nhà soạn nhạc thiên tài thế kỉ 18)
Haydn là một nhà soạn nhạc người Áo, là “người cha của giao hưởng” và “cha đẻ của tứ tấu dây”. Haydn và Mozart có mối quan hệ bạn bè rất thân thiết, hay nói chính xác hơn Mazart là hậu bối của Haydn, cả hai ông đều là hai ông lớn của nền âm nhạc thời kỳ Cổ điển. Theo chia sẻ của mình, Mozart đã nói: “Haydn là người đầu tiên dạy cho tôi cách viết một bản tứ tấu”. Đánh giá về Haydn, Tchaikovsky đã nhận xét: “Haydn là một mắt xích vô cùng vững chắc và quan trọng trong lịch sử phát triển của âm nhạc. Không có Haydn thì cũng không có Mozart và Beethoven”. Và trong đời của mình, Mozart đã kính trọng gọi Haydn là cha dù cho cách gọi cha này không được hiểu theo cách đầy đủ.
Tiếp theo là mối quan hệ của Mozart và Beethoven, cả hai đều là nhà soạn nhạc được nhắc tới nhiều nhất và có ảnh hưởng bậc nhất. Hai người đã có những đóng góp vĩ đại cho nền nhạc cổ điển thế giới. Họ nổi danh tới mức có lẽ cứ nhắc đến Mozart là người ta nhớ đến Beethoven và ngược lại. Chúng ta biết đến Beethoven qua những kiệt tác như Fur Elise, Sonata ánh trăng, Appasionata,… Thời của Mozart, Beethoven mới chỉ là một người trẻ tuổi hứa hẹn trở thành một nhà soạn nhạc vĩ đại. Khi đã trưởng thành Beethoven đến gặp Mozart để học hỏi thêm. Cả Mozart và Beethoven đã đưa thời kỳ Cổ điển lên đỉnh cao. Họ đã kế thừa truyền thống và những gì mà những người tiền nhiệm, tiêu biểu là Joseph Haydn, đã vạch ra cho nền âm nhạc thế kỷ XVIII. Cả Haydn, Mozart, Beethoven đã biến Viên trở thành thủ đô âm nhạc của cả thế giới lúc đó, đã gây dựng nên một trường phái âm nhạc nổi tiếng, đó là trường phái cổ điển Viên. Đóng góp lớn nhất của cả ba đó chính là phát triển một trong những thể loại quan trọng nhất của nhạc cổ điển: giao hưởng.
Steve Jobs – Thiền sư Kobun Chino Otogawa
Chắc các bạn sẽ bất ngờ khi mentor của một ông trùm công nghệ lẫy lừng thế giới là thiền sư. Theo những câu chuyện được kể lại, Steve Jobs đã có một thời gian cực kỳ khó khăn trước khi gặp Otogawa. Thiền sư Kobun Chino Otogawa chính là cố vấn tâm linh của Steve Jobs, người đã nâng đỡ Steven lúc ông đang cảm thấy bế tắc trong cuộc sống. Ảnh hưởng của vị Thiền sư này lên Steve Jobs có thể thấy rõ qua triết lý tối giản trong các thiết kế của sản phẩm Apple. Vị Thiền sư này cũng hiện diện ở những sự kiện quan trọng mang tính cá nhân trong cuộc đời Steve Jobs.
Steve Jobs thực sự có công trong việc phát triển nhiều quản trị trong giới công nghệ. Ông không chỉ có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều CEO danh tiếng trên thế giới… mà còn là người cố vấn cho Mark Zuckerberg trong những ngày đầu tiên ở Facebook.
Có thể nói sức ảnh hưởng của Otogawa nói riêng và Phật giáo nói chung đến Steve Job là vô cùng lớn. Ông đã ứng dụng thiền trong các phát minh của mình, nhờ đó có nhiều khám phá vượt trội hơn những tài năng đặc biệt trong cùng lĩnh vực. Nhờ ảnh hưởng của thực tập thiền, tiềm năng vượt trội của Steve Jobs đã trở thành minh chứng hiện thực “phục vụ” cho nhân loại hôm nay và mai sau.
Steve Jobs – Mark Zuckerberg
Có lẽ chúng ta ai cũng biết rằng, Steve Jobs chính là người giúp Mark Zuckerberg tự tin khởi nghiệp. Trong những ngày mới khởi nghiệp, khi Mark Zuckerberg phân vân giữa việc tiếp tục hoặc bán Facebook, nhà sáng lập đã nhận được lời khuyên từ Steve Jobs và bắt đầu cuộc hành trình đến Ấn Độ.
Trong một cuộc trò chuyện cùng Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tại Town Hall, Mark Zuckerberg – CEO của Facebook – bật mí rằng: “Những ngày đầu phát triển công ty, khi đối mặt với nhiều khó khăn cũng như những lời chào mua rất hấp dẫn, tôi đã tìm đến Steve Jobs. Ông khuyên tôi nên viếng thăm một ngôi đền ở Ấn Độ để tìm lại sự tin tưởng và sứ mệnh của công ty. Vì ông cũng đã đến đây khi còn trẻ và hành trình này đã giúp Steve Jobs biết được ông cần làm gì ở Apple”. Nhận lời khuyên từ Jobs, Zuckerberg đã dành một tháng để chu du Ấn Độ, đến viếng thăm đền thờ Kainchi Dham Ashram và dành gần một tháng để du ngoạn khắp Ấn Độ. Tại đây, Zuckerberg quan sát mọi người dân, quan sát cách mọi người kết nối với vạn vật và nhận ra thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu tất cả chúng ta có khả năng kết nối mạnh mẽ hơn.
Và thật bất ngờ chính việc này đã cho Mark cơ hội nhận thấy tính cốt lõi về tầm quan trọng trong mọi việc anh đang làm mà theo Mark chia sẻ: “Đó sẽ là điều mà tôi luôn luôn ghi nhớ”.
Zuckerberg đã gắn bó với đứa con tinh thần của mình đến tận hôm nay, đưa một công ty startup thành một đế chế công nghệ hùng mạnh mà nhà nhà đều biết đến.
Bill Gates – Warren Buffett
Bill Gates và Warren Buffett một đôi bạn thân thiết nổi tiếng. Warren Buffett là Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, công ty tư nhân lớn nhất bang Georgia, Hoa Kỳ. Gates xem nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett – “nhà tiên tri của Omaha” là người thầy của ông trong lĩnh vực đầu tư và giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trong một chia sẻ trên LinkedIn về Buffett, Gates đã nói rằng điều lớn nhất ông học từ Buffett là suy nghĩ theo nhiều cách khác nhau, thay vì nóng vội hấp tấp. Buffett không bao giờ đầu tư vội vàng, ông luôn có sự tìm hiểu kĩ lưỡng công ty và các đối thủ để nhìn ra được các điểm mạnh yếu và điều này giúp cho việc kinh doanh của họ có rất nhiều lợi thế. Một điều khác Gates học được từ Buffett là tinh thần đóng góp cho cộng đồng qua các hoạt động từ thiện chiến lược (philanthropy). Chính Buffett cũng là người đã cho Gates lời khuyên về việc thành lập quỹ từ thiện nổi tiếng Bill & Melinda Gates Foundation. Bill Gates nhận thấy Warren luôn có một cái nhìn rất sắc sảo trong việc nhìn nhận thế giới như một cơ hội để đấu tranh chống đói nghèo và bệnh tật, cũng giống như cách Warren đã tìm ra cơ hội trong việc kinh doanh. Buffett cũng có những mentor cho riêng mình khi ông còn trẻ và việc trở thành mentor cho Gates cũng giống như một dạng “đáp đền tiếp nối” để ông tiếp tục chia sẻ những câu chuyện của mình với thế hệ sau.
Vợ chồng tỷ phú Bill Gates – Melinda Gates đã chia sẻ với mọi người rằng, sự thành công của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett chính là tính cách lạc quan: “Sự lạc quan là một tài sản lớn. Chúng ta luôn có thể sử dụng nó nhiều hơn thế. Song niềm lạc quan không phải một đức tin rằng mọi thứ sẽ tự khắc tốt đẹp hơn mà là một niềm tin vững chắc rằng chúng ta có thể làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Phẩm chất này được nhìn thấy rất rõ ở Warren Buffett. Thành công của ông không tạo ra niềm lạc quan mà chính niềm lạc quan đã dẫn đến sự thành công của ông” – trích trong bức thư của Quỹ Bill & Melinda Gates.
Như vậy qua các cặp Mentor – Mentee lừng danh trên thế giới, chúng ta nhận thấy rằng Mentor đóng vai trò khá quan trọng trong con đường sự nghiệp của một người. Trong quyển sách bestseller Đừng bao giờ đi ăn một mình, tác giả Keith Ferrazzi đã khuyên người đọc nên tìm cho mình một mentor để thành công hơn, không chỉ trong nghề nghiệp mà cả trên đường đời.
Nguồn: Theo 4sv