Khác với suy nghĩ của nhiều start-up luôn đề cao ý tưởng, tiêu chí để các nhà đầu tư “thiên thần” quyết định rót vốn lại là cá nhân, thời điểm, sản phẩm, nhu cầu thị trường…
Đã đầu tư 42 dự án tại nhiều quốc gia, trong đó thu được lợi nhuận lớn từ 2/3 dự án. Lúc này, bắt đầu quan tâm đến các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam, ông David Beatty – Giám đốc điều hành Golden Seeds, một trong những nhà đầu tư lớn tại châu Á cho biết hầu hết các start-up đều sai lầm khi nghĩ rằng lợi nhuận là mối bận tâm hàng đầu của các nhà đầu tư “thiên thần”.
“Với tôi, tiêu chí lựa chọn đầu tiên phải là con người. Ý tưởng chỉ là con số 0. Vấn đề cần có một nhóm cộng sự thực hiện ý tưởng đó”, ông nói.
Theo ông, thực tế để có thể đi đến quyết định cuối cùng, hầu hết các nhà đầu tư dành nhiều tâm trí để đánh giá tổng thể dự án trong đó có ý tưởng đã hợp lý hay chưa? công ty có tiềm năng tăng trưởng hay không?… Bất kỳ một hoạt động đầu tư nào cũng cần xem xét nhiều góc độ, song cuối cùng mấu chốt là hướng đến việc cá nhân nhà sáng chế xây dựng lòng tin với đối tác và đồng nghiệp ra sao.
“Do đó, cá nhân phải đáp ứng được cái mà thị trường cần. Họ phải cho tôi biết họ cần đầu tư như thế nào để hiện thực hóa được ý tưởng. Đáp ứng nhu cầu thị trường mà tôi nhìn thấy chứ tôi không quan tâm đến ý tưởng của họ. Chúng tôi cần đánh giá kỹ lưỡng cá nhân khởi sự để xem họ có đủ niềm tin hay không”, nhà đầu tư này cho hay.
Từ kinh nghiệm đã đầu tư thành công tại 6 dự án start-up, Tổng giám đốc Điều hành Joomlart – ông Hùng Đinh thì cho rằng ngoài yếu tố con người, với nhà đầu tư thời điểm cũng khá quan trọng. Ông dẫn ví dụ nhiều năm trước, khi Ebay gia nhập thị trường Việt Nam dù sẵn về công nghệ, dồi dào tài chính nhưng họ đã thất bại. Lý do, khi đó thương mại điện tử với Việt Nam là một điều quá mới mẻ, chưa có hạ tầng thanh toán trực tuyến, người dân quen với lối mua sắm truyền thống.
Nếu như họ chậm lại một vài năm thì lại là một câu chuyện khác. Hay như Uber, GrabTaxi sau một thời gian ngắn vào Việt Nam đã thay đổi tư duy sử dụng dịch vụ bởi đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Do đó, thời điểm ý tưởng vận hành, đưa sản phẩm ra thị trường phù hợp cũng là điều nhà đầu tư bận tâm”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, sau khi đầu tư thất bại một số dự án tại Việt Nam, ông Csaba Bundik – Cố vấn chiến lược Hatch Program thì cho rằng tìm hiểu thị trường và cho ra sản phẩm phù hợp cũng khá quan trọng.
Theo ông, nếu nhà đầu tư chỉ biết cầm tiền đến quốc gia nào đó mà chưa hiểu được con người, văn hóa, bối cảnh thì khả năng thành công rất thấp. “Ngay tại Châu Âu, tôi phải mất nhiều năm để khảo sát tìm hiểu thị trường. Tôi không thể đưa mô hình bên ngoài để áp dụng cho Việt Nam. Cần phải có kiểm chứng về thị trường, sản phẩm cũng như khâu chuẩn bị nhân sự. Khi chưa có lòng tin về những điều này rất khó để triển khai”, vị này nói.
Ngoài những tiêu chí lựa chọn để quyết định đầu tư, việc sử dụng vốn của start-up cũng được lưu tâm. Ông Csaba cho rằng nhà đầu tư cũng cần biết kế hoạch tiêu tiền của công ty khởi nghiệp. Nhiều cá nhân khi có tiền, điều đầu tiên họ nghĩ đến việc xây dựng một nhà máy nhưng có khi nhà đầu tư thấy rằng điều đó là không cần thiết. Rõ ràng cả nhà sáng lập lẫn nhà đầu tư phải có sự thống nhất về phần sử dụng vốn, điều này giúp ích cho việc đánh giá được hiệu quả dòng tiền sẽ được nhân lên ở mức độ nào, lợi nhuận dự kiến ra sao.
Đồng tình quan điểm, theo ông Hùng Đinh sau khi được rót vốn, điều quan trọng nhất với dự án khởi nghiệp là có thu hút được số lượng lớn khách hàng tham gia hay không. Từ điều này, doanh nghiệp sẽ biết được sẽ thu lại được những gì.
Vị này cho biết có 3 từ ông hay nhắc với các nhóm nhận đầu từ là “cân bằng vốn, tăng trường và tài chính tiếp sau”. Theo ông, với dự án khởi nghiệp rất khó để hôm nay đầu tư ngày mai đã có kết quả. Dù vậy, mỗi start-up cần phải hết sức để duy trì hoạt động mình. Hiện nhiều cá nhân nghĩ đơn thuần tăng trưởng doanh nghiệp đơn thuần chỉ là vấn đề doanh thu lợi nhuận, song đôi khi với nhà đầu tư đôi tăng trưởng chỉ đơn thuần là gia tăng số lượng khách hàng mới. Cùng đó, mỗi dự án nên có lộ trình cụ thể để thu hút được dòng tiền đầu tư tiếp theo.
“Đầu tư “thiên thần” không chỉ là câu chuyện về tiền bạc mà còn nhiều vấn đề liên quan. So với thế giới khái niệm này tại Việt Nam đang muộn hơn 15-20 năm. Nhưng điều đó lúc này không quan trọng bằng việc các start-up Việt phát huy nội lực và tận dụng thời cơ”, ông nói.
Theo nhận định của các vị này, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút các dòng vốn ngoại cho dự án khởi nghiệp. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, giao thông, nông nghiệp, đào tạo nhân lực… sẽ có tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai.
[Theo Vnexpress]