Theo dự kiến vào ngày 7-2 tới, Học viện Cán bộ TPHCM sẽ tổ chức hội thảo “Thực trạng doanh nghiệp khởi nghiệp tại TPHCM và những khuyến nghị chính sách” mà PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện nhấn mạnh trong thư mời các chuyên gia viết tham luận là “nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Điều này phần nào chứng tỏ khởi nghiệp hiện nay ít nhiều có rào cản mà cần có chính sách hỗ trợ của các cơ quan hoạch định chính sách.
Vài năm gần đây, khởi nghiệp (startup) thực sự là một phong trào mà nay, chỉ cần gõ từ khóa “thi khởi nghiệp” trên trang web tìm kiếm Google thì chỉ trong vòng 0,45 giây có tới hơn 4,3 triệu kết quả. Chuyện bắt gặp giới trẻ ở nhà hay ngoài quán cà phê chăm chú theo dõi các chương trình truyền hình (gameshow) liên quan tới khởi nghiệp được phát lại trên trang chia sẻ video YouTube không còn là chuyện hiếm.
Shark Tank Việt Nam, chương trình truyền hình thực tế kết nối người khởi nghiệp và nhà đầu tư, trong năm ngoái có 48 dự án khởi nghiệp được chọn để lên sóng truyền hình trình bày về dự án và gọi vốn trực tiếp. Trong đó có 22 startup gọi vốn thành công với tổng số vốn đầu tư từ các shark là 100 tỉ đồng. Giới trẻ không thích thú sao được khi tập 7 của Shark Tank Việt Nam, 1 triệu đô la là khoản đầu tư của VinaCapital rót cho Gcalls, nhà cung cấp phần mềm quản lý.
Hay như cuộc thi khởi nghiệp ở ĐBSCL thu hút hơn 100 dự án mà sau đó có 10 dự án lọt vào vòng chung kết, đa phần các dự án có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn cho nông nghiệp miền Tây. Giải nhất là dự án “Ứng dụng vi sinh lên men cám gạo dùng cho nông nghiệp” của Võ Nguyễn Công Sơn (Đồng Tháp) với phần thưởng trị giá 20 triệu đồng.
Trang điện tử mua sắm Leflair Vietnam (leflair.vn) trong tháng 1 này đã thành công trong vòng gọi vốn thứ 3 có trị giá 3 triệu đô la Mỹ từ Capital Management Group.
Như vậy, phong trào khởi nghiệp đã thu hút nhiều người, nhất là giới trẻ, diễn ra không chỉ trên truyền hình, mà còn qua nhiều kênh khác nhau, từ Internet tới các hiệp hội, đoàn thanh niên, không ít chính quyền địa phương khuyến khích khởi nghiệp bằng tài chính thông qua các quỹ hỗ trợ, có trường đại học nhắm tới mở chuyên ngành đào tạo chuyên về khởi nghiệp…
Đặc biệt, năm 2016 là năm đầu tiên mà câu chuyện khởi nghiệp được nói nhiều tại nghị trường và Chính phủ đã chọn năm này là “Năm Quốc gia khởi nghiệp”. Nghị quyết 35 của Chính phủ vào tháng 5-2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã chú trọng đến “doanh nghiệp khởi nghiệp” với nguyên tắc “Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển”.
Trong một tọa đàm vào tháng 9 năm ngoái có tên “Toàn cảnh gọi vốn Đông Nam Á và câu chuyện Việt Nam”, đại diện một quỹ đầu tư mạo hiểm cho biết có tới 1,5 tỉ đô la đổ vào các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á trong năm 2016 nhưng 80% số tiền đó đổ vào Indonesia và Singapore và chưa đầy 100 triệu đô la chảy vào Việt Nam.
Một trong những lý do chính là thủ tục hành chính rườm rà. Một luật sư cho biết luật pháp Việt Nam quy định việc giải quyết thủ tục đầu tư khá nhanh, nhưng để hoàn thiện được bộ hồ sơ đầu tư thì lại mất nhiều thời gian. Nhà đầu tư phải cung cấp thông tin hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, giấy đăng ký kinh doanh…, sau đó dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và công chứng. Nhưng theo quy định, tất cả các nhà đầu tư phải ký vào hồ sơ, trong khi các nhà đầu tư ở các nước khác nhau và Việt Nam không chấp nhận chữ ký điện tử, nên có thể phải chờ vài tháng mới thu thập đủ chữ ký các bên liên quan.
Gần đây nhất là Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tháng 6-2017 có hiệu lực ngày 1-1-2018 như tiếp thêm cho tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng, tháo gỡ những rào cản cho các dự án khởi nghiệp.
[Theo Thesaigontimes]