Phụ nữ vẫn bị áp “tiêu chuẩn kép”
“Đặc điểm giới tính sẽ dẫn đến sự khác biệt nhất định giữa nam và nữ trong điều hành kinh doanh. Tuy nhiên phụ nữ có tiềm năng rất tốt trong quản lý và điều hành doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Sáng kiến Hỗ trợ Khu vực Tư nhân vùng Mekong (MBI), doanh nghiệp do nữ làm chủ có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn, chi phí tạo ra việc làm thấp hơn hay phúc lợi xã hội cho người lao động được bảo đảm tốt hơn”.
ThS. TỪ THU HIỀN
– Theo bà, vai trò của phụ nữ trong thời đại hiện nay có những điểm gì khác so với trước?
Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể về bình đẳng giới, không chỉ thể hiện về trong các chủ trương, chính sách, luật pháp mà còn trong cuộc sống. Một ví dụ thú vị mà chúng ta có thể quan sát thấy là các quảng cáo hàng ngày về bột giặt, đồ nấu ăn, tủ lạnh, tã trẻ em… trước đây chỉ nhìn phụ nữ như là khách hàng, người sử dụng chính như ngầm mặc định phụ nữ là người duy nhất chịu trách nhiệm việc nhà, thì nay đã thấy hình ảnh bố là người thay tã cho con, chồng chia sẻ việc nấu ăn với vợ… Đó là những tiến bộ, dù nhỏ nhưng cũng góp phần tạo ra thay đổi về quan niệm trong xã hội.
Tuy nhiên, nhìn chung xã hội vẫn còn quan niệm phụ nữ có trách nhiệm với gia đình nhiều hơn nam giới. Vì thế, phụ nữ bị áp vào tiêu chuẩn kép, đảm nhiệm cả 2 chức năng sự nghiệp và gia đình, và do vậy sẽ có ít cơ hội hơn. Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã nói, “tại Việt Nam, việc ca ngợi những đức tính truyền thống của phụ nữ đôi khi khiến người phụ nữ trở thành tù binh trong chính lâu đài được dát vàng của mình”. Phụ nữ đảm đang được kỳ vọng là phải “vẹn cả đôi đường”, gánh cả 2 vai, trong khi nam giới, được coi là phái mạnh, thì chỉ cần 1 vai và đã được đánh giá cao.
– Điều này ảnh hưởng như thế nào đến nhóm bạn nữ trẻ khởi nghiệp?
– Khi các bạn nữ có khả năng và đam mê khởi nghiệp bỏ công việc làm công ăn lương ổn định để khởi nghiệp, thách thức đầu tiên chính là thuyết phục gia đình ủng hộ khi cả xã hội và gia đình đều cho rằng phụ nữ nên làm công việc nhẹ nhàng ổn định để dành thời gian cho gia đình. Quan niệm xã hội này tự thân nó không xấu, nhưng lại gây ra các khó khăn không hữu ý khác cho phụ nữ trong kinh doanh.
“Chúng ta sẽ không chờ đợi!”
– Sau một năm hoạt động, bà nhận thấy khó khăn lớn nhất của phụ nữ trong khởi nghiệp và kinh doanh hiện nay là gì?
– Theo nghiên cứu và tổng hợp của WISE, những khó khăn chính của phụ nữ trong kinh doanh và khởi nghiệp chia thành 5 nhóm chính: Định kiến, cân bằng, tiếp cận vốn, xây dựng mạng lưới, thiếu kiến thức và kỹ năng. Nói về định kiến, nam giới được nhìn nhận với các tính cách như thông minh, quyết đoán, chấp nhận rủi ro, sẵn sàng thay đổi, còn phụ nữ thì cẩn thận, chu đáo, ổn định. Trên thương trường, rõ ràng những thuộc tính mặc định đó cho thấy sự bất lợi của phụ nữ.
Về cân bằng, đó là bài toán giữa gia đình và sự nghiệp. Ở Việt Nam, phụ nữ trung bình dành 5 giờ để làm việc nhà ngoài giờ hành chính. Những công việc mà phụ nữ đang làm đã âm thầm hạn chế một phần cơ hội của họ để tham gia học tập, công tác xã hội, phát triển sự nghiệp và cả chăm sóc bản thân.
Khó khăn thứ ba chính là tiếp cận vốn. Đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ 37% phụ nữ tiếp cận được vốn vay ngân hàng trong khi nam giới là 47%. Đối với nhóm phụ nữ trẻ startup, việc gọi vốn đầu tư càng khó khăn hơn so với các đồng nghiệp nam, bởi phụ nữ đều ít nhiều cảm thấy mất tự tin khi phải đối mặt và thuyết phục các nhà đầu tư mạo hiểm. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, chính định kiến về giới khiến cho các nhà đầu tư có thiên hướng đặt câu hỏi khác nhau cho startup nam và nữ. Với nam thiên về hướng “tiến lên”, ví dụ “triển vọng tăng trưởng của công ty như thế nào”, trong khi với nữ giới, câu hỏi mang tính “phòng vệ” nhiều hơn, ví dụ “bao giờ công ty đạt điểm hòa vốn”, “các rủi ro đối với công ty là gì”.
Khó khăn thứ tư chính là xây dựng và phát triển mạng lưới. Trong khảo sát của WISE, nhiều nữ doanh nhân đã có chung chia sẻ là quan hệ khách hàng và xây dựng mạng lưới kinh doanh của phụ nữ rất yếu vì không biết bia rượu, đánh golf và không giao lưu được. Nhiều phụ nữ sau khi sinh con, phải mất gần 3 năm mới phát triển lại mạng lưới như trước.
Cuối cùng là thiếu kỹ năng và kiến thức khi mà thời gian ngoài công việc phần lớn đã phải dành cho chăm sóc gia đình. Chính vì thế mà doanh nghiệp càng lớn, tỷ lệ phụ nữ quản lý càng giảm, bởi nữ doanh nhân thường rút khỏi thương trường một cách tự nguyện và vì lý do cá nhân hơn là vì thất bại trong kinh doanh.
– Bà nhắn nhủ điều gì tới những người phụ nữ muốn khởi nghiệp và kinh doanh?
– Vai trò và đóng góp của phụ nữ ngày càng trở nên quan trọng và được thừa nhận rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu. Một nghiên cứu của Mckinsey cho thấy, GPD toàn cầu sẽ tăng thêm 12 nghìn tỷ USD vào năm 2025 nếu thúc đẩy được bình đẳng giới cho phụ nữ. Có thể nói phụ nữ Việt Nam đầy tài năng và tiềm năng để trở thành các doanh nhân xuất sắc. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, và phụ nữ phải tiếp tục là người đi đầu để tạo nên những thay đổi tích cực. Chúng ta sẽ không chờ đợi mà sẽ cùng hành động! Có một câu nói của Phu nhân cựu Tổng thống Mỹ Michelle Obama mà tôi vô cùng tâm đắc: “Không có giới hạn nào cho những công việc mà chúng ta, những người phụ nữ có thể đạt tới”. Đây cũng là niềm tin mạnh mẽ của cá nhân tôi, và của các thành viên WISE đối với những người phụ nữ tuyệt vời của chúng ta.
– Xin cảm ơn bà!