Liệu mentor – tạm dịch người cố vấn – giúp gì được cho công việc kinh doanh của startup? Có thể có, có thể không, tùy trường hợp. Tuy vậy, có mentor đồng hành trên con đường khởi nghiệp là điều đáng để suy nghĩ.
Trước tiên, xin được làm rõ ý nghĩa của từ mentor trong bài viết này. Mentor ở đây vừa là một nhà cố vấn vừa là một người bạn. Họ có kiến thức và kinh nghiệm như một người cố vấn nhưng lại ứng xử và được tin cậy như một người bạn.
Đinh Tuấn Ân là người đồng sáng lập Orisoy, chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh tàu hũ tại TPHCM. Thật ra, ban đầu, cửa hàng mang tên HAT, vốn được ghép lại từ tên của Ân và hai người bạn. Sau một thời gian, HAT được đổi thành Orisoy, kết hợp từ hai chữ Original – tức nguyên chất và Soya – chỉ đậu nành, để thuận lợi hơn trong việc nhận diện thương hiệu, nhượng quyền và mở rộng ra nước ngoài.
“Việc đổi tên là giai đoạn đầy khó khăn trong kinh doanh”, Ân nhớ lại. Nói khó khăn bởi điều này không chỉ gây phát sinh chi phí trong việc thay đổi lại nhận diện thương hiệu mà còn ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng. Ân kể, không ít khách hàng cứ nghĩ quán đổi chủ; mà đổi chủ thì cũng đổi công thức chế biến. Rõ ràng món ăn vẫn như cũ, nhưng do tâm lý như vậy, nên vị giác của khách bị ảnh hưởng. Họ ăn và cho rằng không ngon như trước. Từ đó, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Phải mất nhiều thời gian và công sức, Ân mới xây dựng được lại niềm tin từ khách hàng.
Câu chuyện nêu trên chỉ là một trong số rất nhiều va vấp mà Orisoy gặp phải. Nhìn lại chặng đường đã qua, Ân chia sẻ, nếu làm lại từ đầu, anh sẽ thực hiện hai việc. Thứ nhất, đi làm tại một công ty trong ngành ẩm thực một đến hai năm trước khi khởi nghiệp; thứ hai, tìm cho mình một người mentor để đồng hành. Một người mentor, theo Ân, có thể giúp anh tránh được những sai lầm đáng tiếc, ví như chuyện đặt tên – đổi tên, mà thường do thiếu kinh nghiệm, thừa nhiệt huyết, những người trẻ rất dễ gặp phải.
Không bao giờ quá muộn để bắt đầu. Giờ đây, Ân đã tìm được một người mentor, hiện là giám đốc một công ty trong lĩnh vực nhân sự, đồng hành. Nhưng một người không có kinh nghiệm trong ngành ẩm thực thì giúp gì được cho Orisoy? Nói rộng ra, khi mentor không có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực mentee (người được cố vấn) hoạt động, liệu họ vẫn có thể giúp được mentee?
Đôi điều cần hiểu về mentor Có không ít dẫn chứng, thống kê cho thấy thành công của nhà khởi nghiệp luôn có bóng dáng của người cố vấn (mentor). Khả năng gợi mở, đa dạng hóa góc nhìn, dẫn đường, mở lối, lắng nghe không phán xét là nét đặc trưng của một người mentor. Nhưng hãy lưu ý bóng dáng người mentor đằng sau sự thành công của nhà khởi nghiệp hoàn toàn không đồng nghĩa mentor làm nên sự thành công “giùm” nhà khởi nghiệp. Mentor không ra quyết định giúp bạn. Vì nếu thế, bạn nên thuê mentor làm CEO cho mình. Mentor không phải là người tư vấn miễn phí cho hoạt động kinh doanh của bạn. Nếu muốn tư vấn, bạn phải trả phí theo mức thị trường. Mentor cũng không phải là người để bạn trút bầu tâm sự bất cứ khi nào gặp vấn đề hay xả stress. Nếu muốn vậy bạn hãy tìm cho mình chuyên gia/bác sĩ tâm lý và trả phí theo giờ/buổi để thỏa mãn nhu cầu vừa nêu. Mentor là con người. Mà hễ là con người, 110% mentor cũng có các nhu cầu được lắng nghe, được nâng đỡ. Hãy tạo điều kiện để mentor dẫn đường, mở lối cho bạn. Nhưng cũng hãy tạo điều kiện để nâng đỡ, sát cánh cùng với mentor. Khả năng ra quyết định một cách độc lập, chịu trách nhiệm với cả thất bại lẫn thành công của mentee, có thể nói đó là thành quả tốt nhất mà quá trình mentoring đem lại. Hiểu như vậy để tránh kỳ vọng thái quá vào người mentor và giá trị mà mentoring mang lại. Phan Đình Tuấn Anh |
Thật ra, cần hiểu, mentor không phải là người giải quyết vấn đề thay cho mentee; cũng không nhất thiết phải có một đáp án cụ thể cho mỗi câu hỏi mà mentee đặt ra. Mentor là người biết đặt ra những câu hỏi đúng để giúp mentee nhìn vấn đề đa chiều hơn và tự đưa ra quyết định.
“Câu trả lời, bản thân mình vốn đã có sẵn nhưng không nghĩ đến. Và khi được kích hoạt bởi một câu hỏi đúng là tự mình bật ra ngay lời giải”, anh chia sẻ chiêm nghiệm của bản thân sau hơn bốn tháng đồng hành cùng mentor. Bên cạnh đó, người mentor còn là một chỗ dựa tinh thần giúp mentee vững tâm rằng luôn có người đồng hành cùng mình mỗi khi gặp khó khăn, Ân kể.
Xin kể thêm một câu chuyện khác để làm rõ thêm giá trị mà người mentor mang lại cho startup. Trần Cường là Giám đốc điều hành một công ty sản xuất trong ngành giấy carton. Đam mê nông nghiệp, anh mua lại một công ty sản xuất phân bón trong ngành. Khi thực hiện thương vụ này, anh quan tâm đến số tiền bỏ ra và việc chuyển giao công nghệ. Chẳng có gì sai khi làm như vậy. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu anh không lường đến tình huống người trong công ty cũ mở một công ty mới cạnh tranh.
Cường suýt mắc phải thiếu sót đó nếu không trao đổi câu chuyện cùng mentor của mình. “Em có nghĩ đến từ khóa thời gian và không gian trong một thương vụ mua bán sáp nhập?”. Cường nhớ lại câu hỏi của mentor, câu hỏi làm anh giật mình. Anh bổ sung thêm điều khoản khi mua lại cổ phần từ người sáng lập công ty cũ. Theo đó, trong ba năm và trong bán kính 300 ki lô mét, họ không được mở một công ty tương tự. Ba năm là thời gian cần thiết để công ty Cường đủ lớn và tạo khoảng cách an toàn; 300 ki lô mét là bán kính bao phủ các thị trường mà công ty Cường nhắm đến.
Trong góc nhìn của Cường, mentor là mảnh ghép không thể thiếu trong hành trình khởi nghiệp. Với anh, sau kiến thức, kinh nghiệm, và chỗ dựa tinh thần, mentor còn là cánh cửa giúp anh có thêm những mối quan hệ mới. Mỗi mối quan hệ lại mở ra nhiều cơ hội mới. Mà cơ hội chính là một trong những điểm quan trọng tạo sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo.
Hai câu chuyện trên là những ví dụ tiêu biểu cho thấy giá trị mà mentor mang lại cho người trẻ trong quá trình kinh doanh. Và may mắn, hiện ngày càng có nhiều chương trình kết nối giúp mentee có thể tìm cho mình mentor đồng hành. Tuy vậy, cần tỉnh táo rằng không phải mối quan hệ mentor – mentee nào cũng thành công như kỳ vọng của hai bên.
Mỗi cặp mentor – mentee là một câu chuyện độc nhất, không ai giống ai. Thậm chí cho dù cùng có chung một mentor, mỗi mentee sẽ nhận được những giá trị khác nhau từ mối quan hệ này. Nhưng dù khác nhau thế nào thì một mối quan hệ mentoring đúng nghĩa vẫn có một điểm chung đó chính là giúp mentee phát triển năng lực bản thân lên một tầm cao mới. Và theo nghĩa như vậy, mentoring thật sự là một điều đáng trân trọng như Jack Ma từng nói “May mắn lớn nhất của cuộc đời, không phải nhặt được tiền, cũng không phải trúng số, mà là có người có thể dẫn bạn đi đến một nền tảng cao hơn”.
Phan Đình Tuấn Anh, một mentor trong chương trình SME Mentoring 1 on 1 tại TPHCM
- Đăng ký để nhận được sự hỗ trợ từ WISE: https://goo.gl/forms/HUVSsnriZLgwcUWE2