Để theo đuổi đam mê nấu nướng, Quán quân MasterChef 2014 Minh Nhật đã nghỉ việc tại một ngân hàng để quyết định khởi nghiệp, nhưng ban đầu, cô không nhận được nhiều sự ủng hộ của gia đình. Giống như Minh Nhật, nhiều nữ doanh nhân, start-up cũng đang phải đối diện với những rào cản vô hình khi bước chân ra thương trường.
Khoảng trống thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp
Hoàng Minh Nhật là cái tên không xa lạ trong giới khởi nghiệp, cô gái sinh năm 1991 từng giành vị trí Quán quân Vua đầu bếp MasterChef 2014, sau khi vượt qua nhiều thí sinh nặng ký. Bước ra khỏi cuộc thi, Minh Nhật quyết định theo đuổi đam mê nấu nướng, mặc cho trước đó cô có bằng tốt nghiệp loại Giỏi tại Đại học Ngoại thương và có công việc ổn định tại một ngân hàng lớn. Khởi nghiệp với số vốn 450 triệu đồng giải thưởng và 250 triệu đồng vốn tích lũy bản thân, Minh Nhật mở cửa hàng bánh mì đầu tiên mang thương hiệu của mình.
Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau quyết định nghỉ công việc ổn định ở ngân hàng để khởi nghiệp với bánh mì đó, cô gái trẻ này ban đầu không nhận được nhiều sự ủng hộ của gia đình.
Bà Từ Thu Hiền – Nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) chia sẻ câu chuyện về những nữ start-up mà bà từng gặp gỡ trong đó có người sáng lập chuỗi Bánh mì Minh Nhật tại một sự kiện về hỗ trợ nữ doanh nhân phát triển.
Câu chuyện của một nữ founder khác được bà Hiền nhắc đến, từng cảm thấy rất yên tâm khi tập trung vào công việc bởi chồng cô cũng là co-founder. Tuy nhiên, áp lực phải sinh con từ gia đình và xã hội sau đó lại đến với nữ founder này khi sau nhiều năm, hai vợ chồng cô vẫn lựa chọn tiếp tục tập trung phát triển sự nghiệp của mình mà chưa muốn có con ngay.
Với những trường hợp trên, theo bà Từ Thu Hiền, những định kiến đang tạo ra rào cản vô hình đối với sự phát triển và tăng trưởng của phụ nữ. “Trong khi nếu bạn là nam giới bạn sẽ được ủng hộ, thậm chí là nhận được sự hỗ trợ về tài chính của cha mẹ và người thân”, bà nói.
Điều này cho thấy, phụ nữ phải chứng minh bằng kết quả thực sự trong khi nam giới chỉ cần chứng minh bằng kỳ vọng.
Trong kết quả một nghiên cứu công bố vào cuối năm 2019, nếu như xóa bỏ được khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh doanh thì GDP sẽ tăng từ 3-6%, con số này cho thấy tiềm năng cửa phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực lao động, nếu xóa bỏ được khoảng cách giới thì GDP trên đầu người sẽ tăng từ 15-17% ở các nước phát triển và đang phát triển.
Một số khảo sát khác trong lĩnh vực khởi nghiệp, đầu tư vào các start-up nữ, các start-up có founder do nữ sáng lập thì đem lại hiệu quả đầu tư cao hơn 63% so với start-up nam. Và phụ nữ tạo ra lợi nhuận trên đầu tư cao hơn 35%, tạo ra doanh thu cao gấp đôi trên mỗi suất đầu tư so với nam giới.
Theo Giám đốc WISE, đây thực sự là những con số giật mình đối với mọi người. “Những khảo sát trên mới chỉ ở quy mô nhỏ và được thực hiện ở nước ngoài mà chưa có tại Việt Nam. Nhưng tôi tin tưởng rằng nó cũng phản ảnh một thực trạng nào đó và cũng tương đồng về mặt xu hướng với nghiên cứu mà chúng tôi đã thực hiện trong quá trình tham gia xây dựng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy phụ nữ có thể điều hành doanh nghiệp hiệu quả không kém nam giới ”, bà Hiền cho hay.
WISE cũng cho biết, trong số các công ty gọi vốn đầu tư thành công trên thế giới thì chỉ 3% các công ty có CEO là nữ. Đáng chú ý hơn, 85% các công ty gọi được vốn đầu tư khởi nghiệp hoàn toàn không có phụ nữ trong ban lãnh đạo. Lượng vốn trung bình phụ nữ huy động được cũng chỉ bằng 1/26 lượng vốn của nam giới.
So sánh với số liệu trước có thể thấy rằng đang có một lỗ hổng, khoảng cách rất lớn giữa quyết định của các nhà đầu tư khi chọn start-up để đầu tư, bà Hiền nhận định.
Trong khi đó, bà Cai Cai, Trưởng ban phụ trách các vấn đề về giới và hòa nhập xã hội, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP) cho rằng, khăn đầu tiên của phụ nữ trong kinh doanh khởi nghiệp là tiếp cận tài chính. Đương nhiên trong kinh doanh, khởi nghiệp đầu tư thì tài chính luôn luôn khó khăn không chỉ với nữ mà ngay cả với nam giới. Nhưng có sự bất bình đẳng trong sự hỗ trợ tài chính ở đây. Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ có 37% các nữ chủ doanh nghiệp tiếp cận được tài chính của ngân hàng trong khi với nam giới là 47%.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, tại Việt Nam, một tuần phụ nữ phải dành thêm 14 giờ so với nam giới cho công việc gia đình. Họ bị bất lợi và tạo ra khoảng cách với đàn ông.
Với những hạn chế và cơ hội như vậy thì việc phụ nữ liên tục cập nhật kiến thức, thông tin và xây dựng mạng lưới rất khó khăn.
Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo tham vấn về dự án Phát triển Doanh nhân nữ với chủ đề “Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới” |
Trước thực trạng trên, ngày 17/2, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp và chính thức ra mắt dự án “Phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới”, thực hiện trong giai đoạn 2020-2023.
Trong đó, UNESCAP là cơ quan triển khai dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp) là cơ quan đầu mối điều phối, phối hợp với UNESCAP và các bộ ngành tổ chức có liên quan.
Được triển khai ở 6 quốc gia (Bangladesh, Campuchia, Fiji, Nepal, Samoa và Việt Nam), mục tiêu của Dự án CWE nhằm tăng cường kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh thông quá việc hoàn thiện cơ chế chính sách, khung pháp lý tháo gỡ các rào cản đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nữ, tăng cường năng lực sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông của doanh nhân nữ.
Tại buổi ra mắt dự án, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam hiện có gần 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp khoảng 40% GDP, 50% tổng số lao động trong nền kinh tế. Đây chính là lực lượng quan trong giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân và phát triển bền vững.
Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình phát triển kinh doanh: hanj chế trong tiếp cận nguồn lực như tín dụng, đất đai, công nghệ, trình độ quản trị và năng lực cạnh tranh còn thấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do nữ làm chủ còn phải đối diện với những rào cản lớn xuất phát từ định kiến xã hội.
Đánh giá cao dự án “Phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới” do Chính phủ Canada tài trợ, ông Vũ Đại Thắng khẳng định đây sẽ là nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, hoạt động thúc đẩy phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ thông qua việc kiến tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nhân nữ.
Dự án có 3 hợp phần chính:
Thứ nhất, hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện chính sách, khung pháp lý; hỗ trợ sáng kiến vận động chính sách, hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Thứ hai, nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính cho doanh nhân nữ. Hỗ trợ các sáng kiến, giải pháp huy động vốn, các công cụ tài chính sáng tạo có sự tham gia tài trợ của công và tư, và hỗ trợ thí điểm đổi mới kỹ thuật số và giải pháp tài chính Fintech cho doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Thứ ba, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin và giải pháp công nghệ số hỗ trợ kinh doanh cho các doanh nhân nữ. Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nữ doanh nhân ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, hỗ trợ các hoạt động kinh doanh.
Bà Deborah Paul – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam |