Nghiên cứu về Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) do nữ làm chủ tại Việt Nam – Thực trạng và Khuyến nghị chính sách: MBI Bao Cao DNNVV Phu Nu
Nghiên cứu này được tiến hành vào tháng 6 năm 2016 trên cơ sở hợp tác giữa Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Kông (MBI), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Hiệp hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME).
Báo cáo này trình bày kết quả nghiên cứu về DNNVV do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam nhằm cung cấp những cơ sở cho việc đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển.
Những phát hiện và đề xuất của nghiên cứu này dựa trên: (i) ý kiến từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong các cuộc phỏng vấn, thảo luận nhóm và hội thảo về chính sách hỗ trợ cho DNNVV do phụ nữ làm chủ và DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ; và (ii) kết quả khảo sát doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê tiến hành.
Các kết quả chính của nghiên cứu bao gồm: Chưa có một định nghĩa chính thức về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam. Điều này gây khó khăn cho cả phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp bởi không biết chính xác doanh nghiệp như thế nào là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đây là một trở ngại xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp này nhằm hướng tới đạt các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011–2020.
DNNVV do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ. Có tới 98,8% DNNVV do phụ nữ làm chủ là quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm tới 61,4%. Đặc điểm này cũng khá tương đồng với các đặc điểm của DNNVV do phụ nữ làm chủ ở các nước (IFC, 2014).
- DNNVV do phụ nữ làm chủ có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy DNNVV do phụ nữ làm chủ chiếm ¼ số DNNVV đang hoạt động ở Việt Nam, một tỷ trọng cao hơn nhiều so với các nước ở khu vực Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi, và Cận Sahara. DNNVV do phụ nữ làm chủ tập trung trong ngành dịch vụ (61,4%) một lĩnh vực sản xuất “xanh” hơn trong nền kinh tế; sử dụng nhiều lao động nữ hơn so với doanh nghiệp do nam làm chủ (43,4% so với 36%); Có suất đầu tư cho một việc làm thấp hơn (1,2 tỷ so với 1,7 tỷ/lao động); Nộp ngân sách bình quân lao động cao hơn (24,9 so với 24,2 triệu/lao động/năm); và thực hiện chính sách xã hội tốt hơn (nộp BHXH 36% so với 35%).
- Chính sách hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ đã được ban hành nhưng không thể triển khai thực hiện. Trên thực tế, Nghị định 56/2009/NĐ- CP về hỗ trợ phát tiển DNNVV có đề cập tới hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ. Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011–2020 cũng đã đề cập tới mục tiêu phát triển các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ này chưa thể triển khai trong thực tế bởi vì: (i) Chưa có quy định/định nghĩa chính thức thế nào là DNNVV do phụ nữ làm chủ. (ii) Các cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn thi hành chính sách cho rằng doanh nhân nữ cũng là người lao động nên đã có Luật lao động và các văn bản luật khác quy định; còn DNNVV do phụ nữ làm chủ cũng là DNNVV và được hưởng chính sách như là các DNNVV.
- DNNVV do phụ nữ làm chủ gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển. Kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nhân nữ đều khẳng định thiếu kiến thức kỹ năng, thiếu thông tin thị trường, nguồn lực, xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển mạng lưới. Ví dụ, có 55% nữ chủ doanh nghiệp đề xuất cần hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các đề xuất hỗ trợ (IFC, 2006); 33,8% nữ chủ DNNVV có trình độ từ Trung cấp trở xuống (Tổng cục Thống kê, 2014).
Ngoài ra, doanh nhân nữ còn có những vấn đề riêng với giới nữ như cân bằng công việc kinh doanh và chăm sóc gia đình. Theo quan niệm truyền thống ở Việt Nam, phụ nữ là người chăm sóc giữ gìn hạnh phúc gia đình, chăm sóc con cái… Những hoạt động này chiếm thời gian đáng kể của nữ doanh nhân, làm hạn chế thời gian cho xây dựng quan hệ đối tác và mạng lưới kinh doanh.
- Vai trò của Hiệp hội nữ doanh nhân trong hỗ trợ phát triển của DNNVV do phụ nữ làm chủ còn hạn chế. Các hiệp hội chưa được coi là kênh thu nhận và truyền bá thông tin chính thức và chưa được hỏi ý kiến trong xây dựng các chương trình hỗ trợ, trợ giúp DNNVV và DNNVV do phụ nữ làm chủ. Nâng cao năng lực của các hiệp hội nữ doanh nhân là yêu cầu đặt ra, có tác động thúc đẩy sự phát triển của DNNVV do phụ nữ làm chủ.
Dựa trên những kết quả nghiên cứu thực tiễn ở trong và ngoài nước, cơ sở lý luận về vai trò của giới trong phát triển, và cơ sở pháp lý… liên quan tới bình đẳng giới và hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ, nghiên cứu này đưa ra một số đề xuất:
- Thứ nhất, quy định/định nghĩa chính thức về DNNVV do phụ nữ làm chủ, làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nên được xác định là “các doanh nghiệp có vốn sở hữu của phụ nữ chiếm ít nhất 26% và do phụ nữ quản lý điều hành hàng ngày” (Định nghĩa của IFC).
- Thứ hai, DNNVV do phụ nữ làm chủ được quy định là một đối tượng độc lập hưởng hỗ trợ của luật hỗ trợ DNNVV. Chỉ khi là một đối tượng riêng được quy định trong văn bản pháp luật thì các chính sách hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ mới rõ ràng và hướng đích.
- Thứ ba, xây dựng chương trình, chính sách hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ. Chương trình này tập trung hỗ trợ nữ doanh nhân khởi nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển theo nguyên tắc tận dụng các nguồn lực của các chương trình, quỹ hiện có bằng cách đảm bảo một tỷ lệ DNNVV do phụ nữ làm chủ tham gia.
- Thứ tư, tăng cường vai trò của các hiệp hội nữ doanh nhân/Câu lạc bộ nữ doanh nhân. Nên hỗ trợ phát triển các đơn vị này thành cầu nối để triển khai các hỗ trợ của Nhà nước đối với các DNNVV do phụ nữ làm chủ.
- Thứ năm, vinh danh và ghi nhận đóng góp DNNVV do phụ nữ làm chủ. Về hình thức, Nhà nước cần đứng ra thực hiện định kỳ và công tâm, đảm bảo sự ghi nhận các đóng góp của phụ nữ trong phát triển DNNVV, góp phần ủng hộ thúc đẩy phụ nữ tham gia phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới mà Việt Nam đã cam kết.
- Thứ sáu, giáo dục thế hệ trẻ về vai trò của doanh nhân nữ cũng như thái độ chia sẻ gánh nặng với doanh nhân nữ. Đây là giải pháp trong dài hạn những cần được nghiên cứu triển khai. Nhà trường và xã hội giáo dục cho trẻ em (nhất là đối với trẻ em gái) để chúng hiểu và có thái độ trong chia sẻ gánh nặng với người phụ nữ. Từ đó, xây dựng một thế hệ doanh nhân nữ mới có trình độ, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và có thái độ chuyên nghiệp không định kiến về doanh nhân nữ trong tương lai gần.